Báo chí nói về chúng tôi

Làm chủ công nghệ nhân giống sâm Ngọc Linh (Báo Quảng Nam)

Thứ hai - 01/02/2021 01:17
Khu thí nghiệm cây sâm mô được đầu tư quy mô, bài bản tại Công ty Sâm Sâm. Ảnh: H.LIÊN
Khu thí nghiệm cây sâm mô được đầu tư quy mô, bài bản tại Công ty Sâm Sâm. Ảnh: H.LIÊN
Là đơn vị đầu tiên tiếp nhận chuyển giao quy trình công nghệ nhân giống sâm Ngọc Linh nuôi cấy mô (NCM) in-vitro từ Sở Khoa học và công nghệ, Công ty TNHH Sâm Sâm (Tam Kỳ) đã nỗ lực cải tạo, hoàn thiện quy trình nhân giống, làm chủ công nghệ NCM in-vitro, từng bước tạo được nguồn sâm giống ổn định.
Làm chủ công nghệ
Cùng với cơ hội được UBND tỉnh hỗ trợ cho thuê dịch vụ môi trường rừng để trồng sâm với tổng diện diện tích 10ha, Công ty TNHH Sâm Sâm đã nỗ lực đầu tư hợp tác nghiên cứu, ứng dụng, làm chủ công nghệ nhân giống sâm Ngọc Linh bằng kỹ thuật NCM in-vitro. Sâm Sâm là doanh nghiệp đầu tiên tiếp nhận chuyển giao quy trình công nghệ nhân giống sâm Ngọc Linh NCM in-vitro từ Sở Khoa học và công nghệ.
Sau khi tiếp nhận, đơn vị đã nỗ lực cải thiện một số quy trình, công đoạn trong nghiên cứu, sản xuất cây giống NCM, làm chủ công nghệ nhân giống sâm với các công đoạn: tạo mẫu in-vitro từ thân rễ (củ) và lá sâm; tạo mô sẹo - phôi thứ cấp, hình thành cây con; tạo cây con in-vitro có bộ rễ hoàn chỉnh. Đơn vị cũng nỗ lực đầu tư kiện toàn nguồn nhân lực, kiện toàn trang thiết bị hệ thống phòng thí nghiệm NCM đạt chuẩn, vườn ươm huấn luyện cây con...
Đợt đầu, công ty nhân giống được 23.000 cây sâm mô đạt tiêu chuẩn để đưa ra vườn ươm, trong đó 10.000 cây được đưa ra huấn luyện tại vườn ươm ở núi Ngọc Linh (Nam Trà My). Cây sâm mô đưa ra vườn ươm qua đánh giá có tỷ lệ sinh trưởng và phát triển đồng đều, tỷ lệ sống sau 5 tháng tại vườn ươm đạt 70%. Cây trưởng thành cho củ to, hình thái lá bình thường và cấu trúc tương tự cây sâm ngoài tự nhiên.
Bà Trương Thị Phương Lan - Giám đốc sản xuất công ty chia sẻ: “Việc huấn luyện cây sâm mô ngoài tự nhiên thành công bước đầu khẳng định rằng, cây sâm NCM có khả năng sinh trưởng và phát triển bình thường tại quê hương của nó. Kết quả ban đầu là niềm tin, tiền đề để công ty tiếp tục hoàn thiện quy trình, khắc phục các điều kiện bất lợi như sâu hại, nấm bệnh tại vườn ươm, vườn trồng (xã Trà Linh, Nam Trà My). Công ty còn nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến tỷ lệ sống của cây sâm mô trong vườn ươm và vườn trồng, nâng tỷ lệ sống của cây con (giá thể, nhiệt độ, độ ẩm, thời gian huấn luyện)”...
Đa dạng dòng sản phẩm
Giai đoạn 2017 - 2020, Công ty TNHH Sâm Sâm tiếp tục chủ trì đề tài khoa học “Nghiên cứu bào chế và đánh giá tính an toàn, hiệu quả của viên nang mềm sâm Ngọc Linh” (ThS. Dương Thị Mộng Ngọc - Trung tâm Sâm và dược liệu TP.Hồ Chí Minh chủ nhiệm). Sản phẩm viên nang mềm sâm Ngọc Linh nhận được sự đánh giá cao của hội đồng nghiệm thu tỉnh.
ThS. Trần Út - Giám đốc Trung tâm Sâm Ngọc Linh và dược liệu Quảng Nam cho rằng, đây là một đề tài quy mô lớn, nội dung nghiên cứu quan trọng, giá trị sản phẩm khoa học cao, tính ứng dụng rất lớn, cơ quan chủ trì là một doanh nghiệp nên đây là nét mới, là hướng “thương mại hóa” kết quả nghiên cứu, ứng dụng hiệu quả. Sản phẩm viên nang mềm sẽ dễ phổ biến trên thị trường, trong khi mỗi lạng sâm củ phải cả chục triệu đồng thì việc xé lẻ, cho ra đời các sản phẩm trên sẽ giúp người tiêu dùng dễ tiếp cận với các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh.
Không chỉ thúc đẩy quá trình nghiên cứu, hợp tác, tiếp nhận chuyển giao khoa học và công nghệ, Công ty Sâm Sâm còn tích cực đào tạo nguồn lao động chất lượng cao, đào tạo cán bộ kiểm định, phân tích, nghiên cứu chuyên sâu về sâm NCM và các sản phẩm từ sâm. Hiện, nhiều dòng sản phẩm của đơn vị ra đời có chỗ đứng trên thị trường như dòng sản phẩm hỗ trợ đái tháo đường, gút, cao huyết áp, tim mạch, viên tăng lực, cải thiện sinh lý nam…
Bà Trương Thị Phương Lan cho biết, công ty đã và đang đầu tư hoàn thiện nhà máy, đầu tư hoàn chỉnh khu chiết xuất cao sâm và dược liệu, các công thức nghiên cứu được hoàn thiện và chính thức đi vào vận hành năm 2021. Tuy nhiên, khó khăn là nguyên liệu sản xuất các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh còn hạn chế, phần lớn là do lượng cây giống sâm Ngọc Linh còn khan hiếm, đắt đỏ. Mục tiêu của công ty là phải chủ động ít nhất 60% vùng nguyên liệu, còn lại là liên kết, bao tiêu sản phẩm. Đơn vị đã trồng được 2ha và đang nỗ lực trồng, phát triển tổng cộng 10ha sâm dưới tán rừng tại Nam Trà My.
“Chúng tôi nỗ lực đầu tư trang thiết bị, công nghệ, nhà NCM đạt chuẩn, nỗ lực hợp tác với các viện, với các chuyên gia nghiên cứu, phát triển giống sâm Ngọc Linh có hàng chục năm kinh nghiệm trong lĩnh vực NCM sâm Ngọc Linh. Tiếp tục hợp tác với một số địa phương trồng hàng chục héc ta cây dược liệu khác dưới tán rừng ở miền núi Quảng Nam phục vụ nghiên cứu, chiết xuất các loại thực phẩm chức năng từ sâm và cây dược liệu cũng như các sản phẩm thuốc đặc trị, chăm sóc sức khỏe” - bà Lan nói.
Nguồn: Báo Quảng Nam.
Link bài viết gốc: http://baoquangnam.vn/cong-nghe-va-cuoc-song/lam-chu-cong-nghe-nhan-giong-sam-ngoc-linh-107131.html?zarsrc=30&utm_source=zalo&utm_medium=zalo&utm_campaign=zalo&fbclid=IwAR1ybMrB1HXwK5UQNtp6oRkSfypt9dbRN2Al-vF8KMn-g-IoCoCK0JQsQ0o
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây