Cẩm nang

Sâm Ngọc Linh - "Quốc bảo Việt Nam"

Thứ ba - 29/09/2020 04:32
Sâm Ngọc Linh - "Quốc bảo Việt Nam"
Sâm Ngọc Linh là loại sâm quý và có giá trị nhất trên thế giới, được tìm thấy tại núi Ngọc Linh thuộc 2 tỉnh Quảng Nam và Kon Tum, Việt Nam. Đây cũng là loại sâm vinh dự được Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc trao tặng danh hiệu “Quốc bảo Việt Nam” nhờ những tác dụng dược lý tuyệt vời đối với sức khỏe con người và giá trị kinh tế mà cây Sâm Ngọc Linh mang lại.

Tên gọi
Sâm Ngọc Linh có tên khoa học là Panax vietnamensis Ha et Grushv., thuộc họ Nhân sâm (Araliaceae), tên khác: sâm Việt Nam, sâm Khu Năm (sâm K5), sâm trúc (sâm đốt trúc, trúc tiết nhân sâm), củ ngải rọm con hay cây thuốc giấu.

Nguồn gốc và lịch sử phát hiện

Trước khi được phát hiện bởi các nhà khoa học, sâm Ngọc Linh đã được các đồng bào dân tộc Xê Đăng sống ở vùng núi Trung Trung bộ Việt Nam sử dụng như một loại củ rừng, mà họ gọi là củ ngải rọm con hay cây thuốc giấu, giúp họ chữa được nhiều bệnh.

Dựa trên những thông tin lưu truyền trong cộng đồng các dân tộc thiểu số Quảng Nam, Kon Tum về một loại củ quý hiếm trên núi Ngọc Linh có tác dụng tốt đối với sức khỏe con người và do nhu cầu của kháng chiến đã khiến ngành dược khu Trung Trung Bộ quyết phải tìm ra loại cây có giá trị này. Năm 1973, khu Y tế Trung Trung Bộ cử một tổ 4 cán bộ do dược sĩ Đào Kim Long làm trưởng đoàn, đi điều tra phát hiện cây sâm theo hướng chân núi Ngọc Linh thuộc huyện Đắc Tô tỉnh Kon Tum. Sau nhiều ngày vượt suối băng rừng, đến 9 giờ sáng ngày 19 tháng 03 năm 1973, ở độ cao 1.800 mét so với mặt biển, đoàn đã phát hiện hai cây sâm đầu tiên và ngay buổi chiều cùng ngày đã phát hiện được một vùng sâm rộng lớn thuộc phía Tây núi Ngọc Linh. Sau 15 ngày nghiên cứu toàn diện về hình thái, sinh thái, quần thể, quần lạc, phân bố, di cư và phát tán, dược sĩ Đào Kim Long đã xác định núi Ngọc Linh là quê hương của cây sâm mới, đặc biệt quý hiếm, chưa từng xuất hiện tại bất cứ nơi nào khác trên thế giới. Theo đánh giá của Tiến sĩ Trần Chí Liêm, Thứ trưởng Bộ Y tế Việt Nam: đây là cống hiến quan trọng cho khoa học, bổ sung tri thức mới về vùng phân bố chi Panax xuống tới vĩ tuyến 15 và bổ sung cho chi Panax họ Araliaceae một loài mới.

Phân bố

Loài sâm này bắt đầu xuất hiện từ độ cao 1.200 m trở lên so với mực nước biển.  Từ 1.700 - 2.000 m, cây mọc tập trung thành quần thể dọc bờ suối, có độ ẩm trên 80%, đất nhiều mùn hữu cơ, dưới tán rừng hỗn giao giữa lá rộng và lá kim, chỉ mọc trên tầng thảm mục mà không mọc dưới đất, nên những vùng có tầng thảm mục dày là nơi có điều kiện lý tưởng cho cây sâm sinh trưởng và phát triển.

Hiện nay đã phát hiện Sâm Ngọc Linh ở các địa danh: Núi Ngọc Linh (huyện Đăk Tô và huyện Tu Mơ Rông tỉnh Kon Tum, huyện Nam Trà My tỉnh Quảng Nam); núi Ngọc Lum Heo (xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn, Quảng Nam); đỉnh Ngọc Am (Quảng Nam).

Núi Ngọc Linh: cao 2578m, lớp đất vàng đỏ trên đá Granit dày 50 cm, độ mùn cao, tơi xốp, rừng nguyên sinh còn rộng.
 

z2335749014230 84af8a40bf600cdef7ec9c41f58b7569
Núi Ngọc Linh

Đặc điểm thực vật

Sâm Ngọc Linh là một loại cây thân thảo sống lâu năm, cao 40 cm đến 100 cm, thoạt nhìn rất giống nhân sâm Triều Tiên, nhưng nhìn kỹ sẽ thấy thân rễ có sẹo và các đốt như đốt trúc do thân khí sinh rụng hàng năm để lại. Thân rễ đường kính 1-2cm, mọc bò ngang trên hoặc dưới mặt đất, mang nhiều rễ nhánh và củ. Sâm chỉ có 1 lá không rụng từ năm 1- năm 3; năm 4 trở đi mới có 2-3 lá.

Quá trình sinh trưởng

  • Đầu tháng 1: xuất hiện chồi mới sau mùa ngủ đông, rồi phát triển dần thành cây sâm trưởng thành có 1 tán hoa.
  • Tháng 4-6: cây nở hoa và kết quả
  • Tháng 7: bắt đầu có quả chín, đến tháng 9
  • Cuối tháng 10: thân khí sinh lụi dần, lá rụng, để lại 1 vết sẹo ở đầu củ sâm
  • Ngủ đông hết tháng 12, đây là giai đoạn thu hoạch tốt nhất.

Bộ phận dùng

Sâm Ngọc Linh dùng được hầu hết các bộ phận của cây: lá, thân rễ, rễ củ, rễ con,...

Thành phần hóa học

Sâm Ngọc Linh là loại sâm có hàm lượng Saponin nhiều nhất trong các loại sâm trên thế giới, với 52 loại (với tổng số hàm lượng là 10,82%), trong đó có 24 saponin có cấu trúc mới không bắt gặp tại các loại sâm khác trên thế giới; cao hơn nhiều so với các loài sâm quý thế giới: sâm Triều Tiên có 25 saponin (với tổng số hàm lượng là 3,52%), sâm Mỹ có 14 saponin (với hàm lượng 3,83%), sâm Trung Quốc có 23 saponin (với tổng số hàm lượng là 4,87%). Hàm lượng Saponin là yếu tố quyết định chất lượng của các loại sâm, chính vì vậy sâm Ngọc Linh được các nhà khoa học đánh giá là loại sâm quý có giá trị nhất trên thế giới và có nhiều công dụng vượt trội hơn hẳn các loại sâm khác.
 

1
So sánh Saponin Sâm Ngọc Linh và các loại sâm khác

Trong các loại saponin của Sâm Ngọc Linh phải kể đến hoạt chất Saponin MR2, có tên gọi đầy đủ là Majonosid-R2 thuộc nhóm Ocotillol – hoạt chất quý hiếm và rất có giá trị đối với sức khỏe con người, đây cũng chính là đặc điểm đặc hiệu mang đến những tác dụng  vượt trội riêng có của sâm Ngọc Linh so với các loại sâm khác trên thế giới.

MR2 được nhiều nhà khoa học công nhận là có khả năng chống lại tế bào ung thư, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng hoạt chất này có tác động ức chế cả giai đoạn bắt đầu và giai đoạn phát triển của tế bào ung thư, bên cạnh đó MR2 còn có tác dụng chống stress, chống  trầm cảm,…

Ngoài ra, sâm Ngọc Linh cũng có rất nhiều hợp chất có lợi cho sức khỏe khác: 7 hợp chất polyacetylen, 17 acid béo đặc biệt là acid béo không no, 18 acid amin trong đó có 8 acid amin cần thiết cho cơ thể, 20 nguyên tố đa vi lượng, 0,1% tinh dầu,..

Những tác dụng của Sâm Ngọc Linh

  • Chống ung thư
  • Chống stress, chống trầm cảm, giải lo âu
  • Chống độc gan, hỗ trợ giảm xơ gan, viêm gan
  • Hỗ trợ hạ đường huyết
  • Giảm mỡ máu nhờ hạ LDL-cholesterol (cholesterol xấu), lipoprotein, …
  • Tăng lưu thông khí huyết, tăng cường sức khỏe các mạch máu khắp cơ thể
  • Bồi bổ cơ thể, tăng cường hệ miễn dịch, nâng cao sức đề kháng trước những tác động bất lợi của môi trường xung quanh
  • Giúp điều hòa tim mạch, huyết áp: nâng cao huyết áp trong các trường hợp hạ huyết áp do mất máu
  • Tăng nội tiết tố, tăng cường chức năng sinh lý ở cả nam và nữ, thể hiện rất rõ ở những trường hợp suy nhược sinh dục thông qua việc kích thích hoạt động của não bộ lên tuyến yên, làm tăng sản suất nội tiết tố sinh dục
  • Giảm đau, giảm các tác dụng không mong muốn của liệu pháp xạ trị, hoá trị như ăn ngủ kém, rụng tóc, da khô, thiếu máu… nâng cao thể trạng, kéo dài sự sống
  • Kháng viêm làm dịu cơn đau họng, long đàm trong các bệnh lý phế quản và phổi ho hen
  • Tăng khả năng hồi phục máu: tăng số lượng hồng cầu và bạch cầu đã bị suy giảm trước đó
  • Chống oxy hóa và lão hóa

Chỉ định

Nhờ những tác dụng dược lý vượt trội nên sâm Ngọc Linh được chỉ định trong nhiều trường hợp:

  • Bệnh tiểu đường và có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường
  • Bệnh mỡ máu
  • Huyết áp thấp
  • Người gầy yếu, suy nhược, mệt mỏi
  • Người bị stress, trầm cảm
  • Suy giảm hormon sinh dục cả nam và nữ
  • Bệnh nhân ung thư và phòng ngừa ung thư
  • Người mắc các bệnh lý về gan: viêm gan, xơ gan,..
  • Những người muốn nâng cao sức khỏe, tăng cường hệ miễn dịch, tăng sức đề kháng khi môi trường xung quanh có những yếu tố bất lợi ảnh hưởng xấu đến sức khỏe: thay đổi thời tiết, di chuyển xa, mùa dịch bệnh,…

Không dùng sâm Ngọc Linh trong những trường hợp:

  • Khó ngủ, hỏa vượng
  • Phụ nữ đang mang thai: vì sâm có tác dụng tăng cường nội tiết tố sinh dục và co bóp thành tử cung nên sẽ ảnh hưởng đến thai nhi
  • Những người bị đau bụng thể hàn, đau bụng tiết tả như: đau bụng ỉa chảy, trướng bụng, đầy bụng…
  • Trẻ em dưới 14 tuổi (phát triển sinh dục sớm). Sâm chỉ được dùng cho trẻ khi trẻ bị suy dinh dưỡng, còi xương, suy nhược cơ thể, mới ốm khỏi, thiếu máu…và được bác sĩ chỉ định.

Liều dùng

Theo Dược điển Việt Nam IV, Sâm Ngọc Linh dược liệu được dùng 6-10g/ngày.

Cách sử dụng Sâm Ngọc Linh

  • Chế biến sâm Ngọc Linh tươi với các thực phẩm
  • Dùng hãm trà Sâm Ngọc Linh
  • Sâm Ngọc Linh tươi ngâm cùng mật ong
  • Sâm Ngọc Linh tươi ngâm rượu
  • Dùng sâm Ngọc Linh thái lát và ngậm trực tiếp
  • Ngoài ra hiện nay đã có nhiều sản phẩm được bào chế từ Sâm Ngọc Linh rất tiện dụng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây